Tiêu Điểm
Để trở thành người nghe giỏi Phần 3
HFVN – Tiếp tục nội dung của những kỳ trước, trong số ra tháng này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến độc giả về trung âm.
Đây là dải âm có màn trình diễn chính và quan trọng với thiết bị audio nói riêng và hệ thống hi-fi nói chung, ngõ hầu giúp độc giả nâng cao khả năng cảm nhận và đánh giá hệ thống khi nghe thẩm định.
Trung âm là khái niệm rất quan trọng do hầu hết năng lượng của âm nhạc tập trung ở dải âm này, đặc biệt là hài âm của các loại nhạc cụ. Không chỉ có vậy, dải trung và dải treble thấp cũng nhạy cảm hơn với tai người so với dải bass và treble cao. Đôi tai người rất thính nhạy với âm thanh thuộc dải tần từ 800Hz đến 3kHz. Ngưỡng nghe dễ chịu nhất của tai người thường tập trung vào dải trung âm hơn là các điểm cực trên dải tần của thiết bị. Âm thanh mà tai người nghe thấy hàng ngày như: giọng nói, tiếng lá xào xạc, âm thanh của hầu hết loài động vật… đều thuộc dải trung âm.
Sự sai âm của dải trung có thể gây khó chịu cho người nghe. Những bộ loa có tiếng trung thiếu liền lạc, không liền mạch thường cho âm thanh không tự nhiên. Trung âm cũng là yếu tố quan trọng nhất khiến âm thanh của bộ loa trở nên hấp dẫn và ngược lại có thể tạo nên sự khó chịu dai dẳng cho người nghe. Một số cặp loa bị sai âm ở dải trung cho âm thanh giống tiếng nói được phát ra khi một người chụm tay bắc loa quanh miệng. Nhược điểm này khá phổ biến ở những đôi loa hàng chợ.
Những thuật ngữ dùng để chỉ màn trình diễn nghèo nàn và kém cỏi của trung âm có thể kể đến như: mỏng tiếng, sai âm, âm ngực, tiếng thùng, giọng mũi, ông ổng, dày tiếng… Trong đó, âm ngực là thuật ngữ mô tả sự sai âm của dải trung trầm khiến người nghe có cảm giác như thể ca sĩ trình diễn bài hát đó đang bị cảm lạnh. Giọng mũi là hiện tượng dư thừa năng lượng và tập trung thái quá vào quãng tần số nào đó khiến âm thanh phát ra giống như tiếng người nói khi kẹp mũi. Ông ổng có tính chất gần giống giọng mũi, song tập trung ở tần số cao hơn và xuất hiện trên dải tần rộng hơn.
Trong 15 năm trở lại đây, công nghệ chế tạo loa có những bước tiến đáng kể. Do đó, hiện tượng sai âm trầm trọng ở trung âm dường như đã được khắc phục tương đối trên hầu hết thiết bị. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn tồn tại ở những dòng loa rẻ tiền, nhưng đã được điều chỉnh tinh vi hơn khiến người nghe dễ chấp nhận hơn. Ngoài ra, còn có loại sai âm diễn ra ở dải trung trầm thỉnh thoảng xuất hiện ở những cặp loa hi-end đắt tiền do sự cộng hưởng và rung động của thùng. Thùng loa sẽ cộng hưởng và rung động ở một số tần số nhất định, tạo ra năng lượng sóng âm từ thùng khi tần số đạt đến ngưỡng nào đó ở một số nốt nhạc nhất định. Cộng hưởng thùng khiến âm thanh có vẻ tràn, vống về phía trước một cách thiếu kiểm soát. Lỗi này rất dễ nhận thấy khi nghe một đoạn solo piano: những đoạn chạy ngón nhanh, mạnh ở tay khiến các nốt nhạc dường như trỗi hẳn so với các nốt còn lại của bản nhạc. Vấn đề này phát sinh bởi hiện tượng tăng năng lượng đột ngột của một dải sóng âm. Bên cạnh đó, một số hòa âm còn được tạo ra do cộng hưởng thùng. Do đó, khi lựa chọn loa, người chơi nên dành nhiều thời gian để thẩm định âm trung của hệ thống xem có xảy ra hiện tượng sai âm hay không. Chỉ một vấn đề rất nhỏ hoặc thoảng qua khi nghe thẩm định cũng có thể trở thành vấn đề chính, triền miên, gây khó chịu cho người nghe khi sử dụng.
Một yếu tố quan trọng trong màn trình diễn của dải trung là cấu trúc bản nhạc được tái tạo như thế nào. Người nghe cảm nhận cấu trúc một cách cảm tính với âm thanh của bản nhạc. Nó mang tính kết cấu và liên tục nhiều hơn là âm thanh ở thời điểm nhất định. Một cặp loa có thể có cấu trúc âm trung cứng và giòn. Cấu trúc cứng thường lộ rõ qua những đoạn hợp xướng, giọng hát bè với âm thanh phô, gắt gỏng, thiếu chân thực. Vấn đề này càng trở nên tồi tệ khi người nghe thưởng thức ở âm lượng lớn. Với âm lượng nhỏ, hiếm khi phát hiện ra tình trạng này. Tiếng piano cũng bộc lộ rõ nét cấu trúc âm trung cứng. Với cặp loa có hiện tượng này, những nốt cao của piano nghe rất giòn và khó chịu. Khi trung âm không có những biểu hiện trên, có thể gọi đó là thứ cấu trúc âm êm, mượt, ngọt, dịu hoặc tinh tế.
Thuật ngữ sạn – từng đề cập ở kỳ trước khi mô tả âm treble có vấn đề – cũng được sử dụng khi mô tả khiếm khuyết của trung âm. Trên thực tế, sạn ở trung âm có thể gây khó chịu hơn cả sạn ở dải treble. Sạn tiếng ở trung âm có thể được cảm nhận khi âm thanh của nhạc cụ và giọng hát được tái tạo thiếu tinh tế, có độ phô.
Một vấn đề khác tồn tại ở dải trung âm là hiện tượng xé tiếng. Hiện tượng này là sự kết hợp của hệ thống loa bị mỏng tiếng (thiếu độ ấm), cứng tiếng và tràn tiếng. Tất cả hiện tượng trên đều xuất hiện và tập trung tại dải trung. Xé tiếng cũng có thể xuất hiện khi dải trung trầm của cặp loa bị mỏng tiếng khiến dải trung cao trội lên trên toàn bộ màn hòa âm. Sản phẩm audio luôn bị đánh giá rất thấp khi có hiện tượng xé tiếng.
Thông thường, khi thiết bị mắc quá nhiều lỗi ở trung âm cũng như âm treble thường bị gọi là phô tiếng. Khi chọn mua thiết bị, đặc biệt là loa, người chơi nên dành thời gian để tập trung thẩm định trung âm – dải âm có tần suất nghe được lớn nhất khi thưởng thức âm nhạc. Những chương trình dùng để thử thường là các đĩa ghi giọng hát, đặc biệt là giọng opera, giọng bè của dàn đồng ca, đĩa solo piano, kèn sax…
Theo Tạp Chí Nghe Nhìn
- 100 BÀI TEST COLLECTION 22 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 21 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 20 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 19 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 18 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )