Tiêu Điểm
Đối xử tốt với âm thanh, âm thanh sẽ đối xử tốt với bạn
Đối xử tốt với âm thanh, âm thanh sẽ đối xử tốt với bạn.
Nếu thực sự đang muốn đầu tư nghiêm túc cho một home theater giải trí, chắc hẳn bạn đã từng rất nhiều lần hành hạ mình bằng chuỗi các câu hỏi bất tận. Đặc biệt là khi việc thiết kế và xây dựng phòng nghe nhìn của hầu hết thành viên HDvietnam đều được thực hiện bằng chính đôi tay, và có rất ít người bỏ tiền ra để thuê từ các hãng chuyên nghiệp ở bên ngoài.
Một điều khá trớ trêu, đó là thị trường nghe nhìn ở Việt Nam khá sôi động, thế nhưng rất khó để tìm được một công ty nào đó nghiên cứu, thiết kế và xây dựng home theater một cách chuyên nghiệp. Mặc dù ở các nước phát triển, các công ty kiểu này khá nhiều, thậm chí một số nơi nơi còn có cả những chương trình đào tạo riêng cho lĩnh vực này.
Đấy là đang nói về tầm quan trọng trong khâu thiết kế và xây dựng home theater, còn đến với chủ đề chính của bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài thông tin liên quan đến vấn đề âm thanh trong rạp hát tại gia.
Phải công nhận rằng, ngay cả với những thiết bị đắt tiền, thì bạn luôn có nguy cơ nhận được thứ âm thanh tồi nếu như không biết xử lý đúng cách. Một chiếc loa xịn trong một căn phòng tồi, đôi khi lại không bằng một chiếc loa trung bình ở trong một căn phòng tốt (về mặt âm học). Một số chuyên gia còn cho rằng thiết bị chỉ mang đến 50% chất lượng âm thanh, phần còn lại sẽ tùy thuộc vào cách xử lý âm học tổng thể của căn phòng. Do vậy, nếu bạn không biết cách xử lý tốt, dàn âm thanh có thể chỉ phát huy được một nửa tác dụng, hay thậm chí là tệ hơn nữa.
Để tìm hiểu đôi chút về vấn đề âm học trong rạp hát, chúng ta sẽ tham khảo ý kiến từ ngài Anthony Grimani, sáng lập gia của hãng Performance Media Industries (PMI). Grimani là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thiết kế và xây dựng home theater, ông cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hai tiêu chuẩn âm thanh phổ biến là Dolby Labs và Lucasfilm THX cho rạp hát tại gia. Sau đây là một vài quan điểm của ông về hoạt động thiết kế và xây dựng home theater trong giai đoạn hiện nay.
Cân bằng năng lượng
Yếu tố đầu tiên và cũng quan trọng nhất khi thiết kế phòng nghe nhìn đó là phải tạo ra được sự cân bằng giữa âm thanh trực tiếp và âm thanh phản xạ tại vị trí người ngồi.
Như chúng ta đã biết, khi nghe âm thanh của nguồn phát, tai chúng ta cảm nhận cả âm thanh trực tiếp đến từ loa lẫn âm thanh phản xạ đến từ các bề mặt xung quanh. Trong đó, chỉ có những âm thanh đến trực tiếp với đôi tai mới là thứ âm thanh chuẩn xác nhất.
Trong một rạp hát tại gia điển hình, đặc biệt là các rạp hát được xây dựng kết hợp với phòng ngủ hay phòng khách, chủ nhân sẽ phải đối diện với rất nhiều bề mặt có thể phản xạ âm thanh, ví dụ như mặt bàn, cánh cửa tủ, cửa sổ…. Thậm chí, ngay cả những phòng nghe nhìn chuyên nghiệp thì các bề mặt phản xạ như ghế ngồi, các bức tường, trần nhà, sàn nhà… là điều không thể tránh khỏi.
“Điểm lý tưởng nhất để người nghe thưởng thức âm thanh chính là điểm mà ở đó năng lượng của sóng âm trực tiếp bằng với năng lượng của sóng âm phản xạ”, Anthony Grimani cho biết. “Nếu gần với nguồn phát hơn, sóng âm trực tiếp sẽ chiếm ưu thế. Những vị trí như thế này sẽ mang đến âm thanh chi tiết và rõ ràng, nhưng lại thiếu hụt cảm giác bao bọc về mặt không gian. Ngược lại, nếu đi xa nguồn phát, âm thanh phản xạ sẽ chiếm ưu thế, trường âm sẽ hiện ra rộng hơn, nhưng độ chi tiết sẽ thiếu và âm thanh trở nên nghèo nàn hơn. Do đó, đối với phòng nghe nhìn, đặc biệt là các phòng nghe nhìn đa kênh, khoảng cách giữa người nghe và loa là cực kỳ quan trọng”.
Phương pháp xử lý âm học
Có nhiều phương pháp xử lý âm học khác nhau, mỗi phương pháp sẽ có một tác dụng riêng biệt. Các tấm hút âm và tán âm là hai phương pháp phổ biến nhất để xử lý âm học của các bức tường hay trần nhà.
Tấm tán âm hay còn được gọi là poly-cylindrical diffuser, về cơ bản là một hình bán trụ được gắn vào tường, nhô hẳn ra khỏi tường. Cũng tồn tại một số kiểu tán âm khác có hình dạng bất thường khác và khá hiệu quả.
Thông thường, khoảng 20% diện tích của các bức tường và trần nhà nên được gắn các tấm tiêu âm dày tối thiểu là 5 cm, tốt nhất là các tấm tiêu âm này có độ dày từ 10 đến 15 cm, với tỷ trọng là 100 kg/1 mét khối. Theo quan điểm của Anthony Grimani, các vật liệu xốp thường quá nhẹ để kiểm soát tần số thấp, còn các vật liệu như sợi thủy tinh có tỷ trọng lớn lại quá nặng để kiểm soát tần số cao. Ông cho rằng vật liệu lý tưởng nhất hiện nay chính là len đá (Rockwool) có độ dày từ 10 đến 15 cm, đây là một loại bông khoáng sản được điều chế từ các loại đá ở gần núi lửa.
Trong khi đó, phần tán âm của home theater nên chiếm từ 20 đến 30% diện tích của căn phòng, với độ dày khoảng 10 đến 30 cm. Độ dày này cho phép các vật liệu có thể khuếch tán âm thanh ở tần số thấp nhất là 500 Hz. Một căn phòng có khoảng 50% âm phản xạ (khuếch tán) là tối ưu.
Ở các điểm phản xạ âm đầu tiên (phản xạ lần thứ nhất) trên bức tường phía bên trái, bên phải và phía sau, bạn cần đặt các vật liệu tiêu âm. Cách đơn giản nhất để tìm các điểm phản xạ âm đầu tiên là sử dụng một chiếc gương. Bạn có thể nhờ một ai đó trượt chiếc gương dọc theo bức tường, và điểm phản xạ âm đầu tiên thường là nơi mà bạn nhìn thấy chiếc loa ở trong gương. Khá đơn giản nhưng lại khoa học phải không?
Nên nhớ, bạn phải bố trí các tấm tiêu âm và tán âm hợp lý ở trong phòng, ngay cả khi có một ban nhạc biểu diễn ở đó thay cho loa. Nếu bạn đặt một tấm tán âm trên một bức tường, thì ở phía đối diện cũng phải có một tấm tương tự.
Trần nhà là một bề mặt tán âm quan trọng, đặc biệt là các điểm phản xạ đầu tiên của loa front đến vị trí của người nghe, nó đòi hỏi bạn phải trang bị một đến hai tấm tán âm. Khu vực trần ở phía sau chỗ ngồi đôi khi cũng yêu cầu tăng cường thêm các vật liệu tán âm nữa.
20% diện tích home theater nên được xử lý bằng tấm tiêu âm.
Bố trí tấm tiêu âm (màu xanh) và tán âm (màu trắng) trong một HT.
Âm trầm
Bẫy bass là phương pháp tốt nhất để khắc phục hiện tượng cộng hưởng của âm trầm và chúng thường được đặt ở trong góc. Góc tường chính là nơi giao nhau của ba mặt tường (trái, phải, trên, dưới) và là nơi có hiện tượng cộng hưởng mạnh nhất. Nếu không có bẫy bass, sự cộng hưởng có thể khiến cho âm trầm bị đục, các âm tần thấp khó phân biệt và không mượt mà.
Mặc dù nhiều người thích sử dụng sợi thủy tinh hoặc bọt biển làm bẫy bass, tuy nhiên, Anthony Grimani lại không đồng ý với sự lựa chọn đó. Theo ông, các chất liệu như vậy không phù hợp với những sóng âm có tần số thấp, mà chỉ tối ưu với các âm trầm-trung (midbass) có dải tần từ 100 đến 200 Hz. Đối với Grimani, sở thích của ông là SpringTrap của hãng MSR, với khả năng hấp thụ các sóng đứng có tần số từ 30 đến 100 Hz. Loại bẫy bass này sử dụng một màng ngăn piston lớn kết hợp với ba hộp Helmholtz kiểu hốc, cho phép kiểm soát âm trầm rất tốt.
SpringTrap của MSR.
Bẫy bass nên được đặt ở trong góc phòng, bởi đó là nơi mà mức năng lượng của sóng đứng cao nhất. Bạn có thể tìm thấy những vị trí có mức năng lượng của sóng đứng cao bằng cách lắng nghe các bản nhạc có âm trầm nặng ở cả 8 góc của căn phòng (bao gồm cả các góc ở phía trên trần). Một chiếc máy đo SPL (sound pressure level – mức áp suất âm thanh) sẽ là công cụ rất tốt để chúng ta thực hiện công việc này.
Nói chung, chỉ cần trang bị một hay cái bẫy bass là âm trầm sẽ trở nên chi tiết hơn và phản ứng nhanh hơn. Trong những căn phòng có thể tích khoảng 30 mét khối, phương pháp này sẽ cải thiện chất lượng âm thanh lên đáng kể.
Sàn
Sàn của home theater là bề mặt có khả năng phân tán hoặc hấp thụ âm thanh rất tốt. Nếu được trải thảm toàn bộ, mặt sàn sẽ hút phần lớn sóng âm có tần số cao, lý do là thảm thường được làm rất mỏng. Điều này giúp cho chủ nhân có thể kiểm soát được âm trung tốt hơn và cho phép âm cao trải đều trong phòng, qua đó mang đến cảm giác rộng rãi và cảm giác không gian tốt hơn.
Khi điều kiện khách quan cho phép, Grimani thường sử dụng thảm kết hợp với mặt sàn cứng. Ông chỉ trải thảm ở phần trung tâm của phòng, còn khu vực xung quanh sẽ để nguyên mặt sàn cứng, nhằm tránh hiện tượng hấp thu quá mức. Thảm được sử dụng trong trường hợp này khá dày, làm từ các loại sợi tự nhiên, kết hợp với lớp đệm làm bằng chất xơ, không bọt. Với các hệ thống rạp hát tại gia cao cấp, Grimani sẽ làm những cái hốc sâu từ 10 đến 15 cm để tiêu các âm phản xạ lần thứ nhất của hai loa front. Những cái hốc này được đậy bằng một lớp kim loại mỏng đục lỗ, bên trong là thảm và đệm, mang đến khả năng triệt tiêu hoàn toàn sóng đứng trên bề mặt sàn. Phương pháp này giúp âm thoại trong phim trở nên rõ ràng và độ nổi của âm hình trở nên hợp lý hơn.
Sau khi xử lý âm học, chúng ta sẽ đi bộ xung quanh phòng và vỗ tay. Thật tuyệt vời nếu không nghe thấy tiếng vang lớn, âm thanh tán ra mịn màng và mất khoảng nửa giây để tiêu tan hết. Ngoài ra, home theater cũng không nên có những điểm chết mà ở đó âm thanh đã bị hấp thu quá mức. Nên nhớ một không gian âm thanh chết (bị hấp thu quá mức) sẽ là không tự nhiên, bởi như bạn biết đấy, trong môi trường sống của chúng ta luôn tồn tại các âm vang tự nhiên, điều quan trọng là phải duy trì được sự cân bằng của những tiếng vang đó.
Công dụng kép
Khá dễ dàng để xử lý âm học cho một home theater, điều quan trọng là làm sao để các công cụ dùng để xử lý hài hòa với không gian mà không mất đi công dụng vốn có của chúng.
Trong một không gian dùng để giải trí với các thiết bị đa phương tiện, bạn cần có một chiến lược cụ thể cho từng đồ vật trong việc hút và tán âm. Sử dụng thảm dày và rèm để hấp thụ, nhưng nên nhớ là không nên treo rèm sát tường, mà trừ ra một khoảng không gian khoảng 8 cm giữa chúng. Nếu bạn có một kệ sách, hãy lợi dụng để tán âm bằng cách đảo vị trí thay vì xếp thành hàng ngay ngắn….
Vật liệu âm học và loa được gắn sát tường.
Khi không sử dụng sẽ được che khuất.
Một tấm tán âm thông thường.
Kiểu tán âm này khá lạ, nhưng hiệu quả trong việc xử lý âm học và tăng cường thẩm mĩ.
Nếu sắp xếp hợp lý, các tấm âm học sẽ rất đẹp và hài hòa.
Công tác chuẩn bị
Các công cụ dùng để phân tích và đo lường âm thanh cho việc thiết kế home theater hiện có rất nhiều. Nếu bạn sử dụng iPhone, iPad hoặc iPod Touch thì một giải pháp tuyệt vời là ứng dụng AudioTools của Studio Six Digital (giá 20 USD). Các công cụ cơ bản và hữu dụng khác để bạn gây dựng một rạp hát còn có máy đo SPL, máy đo RTA (Real Time Analyzer), Relay Finder, máy phát sóng Wave Generator, máy kiểm tra Line Level vàStereo Oscilloscope. Để do chính xác bằng một microphone chất lượng cao, chúng ta nên sử dụng một phần cứng được gọi là iAudioInterface (400 USD), đây là cách nhanh chóng nhất để Grimani thực hiện các phép đo của mình.
Tất nhiên, việc đo đạc sẽ tùy thuộc vào điều kiện của từng người, bởi không phải ai cũng có thể sắm hay mượn đầy đủ các thiết bị trên.
“Luôn luôn sử dụng đôi tai của bạn để xác nhận các phép do. Sai lầm có thể xảy ra trong các thiết bị phân tích và micro, nhưng đôi tai thì không”, Grimani cho biết.
Về ngân sách, chúng ta nên chi ra khoảng 10% tổng tiền để xử lý phần âm học cho hệ thống. Ví dụ nếu bạn quyết định chi ra 25.000 USD cho các thiết bị nghe nhìn, thì các phụ kiện âm học nên được hưởng 2.500 USD – đây là một con số nhỏ nhưng sẽ đảm bảo hiệu suất tối đa cho phần còn lại.
Theo Grimani, “trong thế giới âm thanh, chúng ta chỉ là những đứa trẻ trước những hiểu biết về các đặc tính phản xạ âm học trong phòng nghe nhỏ và sự tương tác của chúng với loa. Điều này là khá phổ biến trong giai đoạn đầu của bất cứ ngành khoa học hay ngành công nghiệp nào”.
Lập kế hoạch chi tiêu và thiết kế khoa học…
… sẽ giúp cho HT trở nên hoàn hảo trong tầm tiền.
- 100 BÀI TEST COLLECTION 22 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 21 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 20 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 19 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 18 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )