Tiêu Điểm
Làm thế nào để lựa chọn một chiếc receiver hợp lý? (Phần 1)
Hiện nay receiver đang là một trong những thiết bị gần như không thể thiếu trong phòng nghe nhìn của dân HD. Có nhiều lý do để sắm một chiếc reciever, có thể là bạn đang muốn xây dựng một rạp hát tại gia hay đơn giản chỉ là nâng cấp cái receiver . Dù sao đi nữa thì công việc cần làm sẽ là tìm hiểu và tham khảo những thông tin thực sự cần thiết để không biến mình thành một món hàng hời cho các nhà phân phối.
>> Làm thế nào để lựa chọn một chiếc receiver hợp lý? (Phần 1)
Đầu tiên, xin được thông báo 2 thông tin cơ bản, và giống như mọi thứ vật chất tồn tại trên cõi đời này, sẽ có cái tốt đẹp và cả cái xấu xa trong đó:
- Tin tốt: hiện tại bạn sẽ có được những thiết bị được tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến, đi kèm với các tính năng rất tiện lợi. Do đó chúng ta sẽ dễ dàng nhận được những sản phẩm thực sự đáng giá cho số tiền mà mình bỏ ra.
- Tin xấu: hiện tại bạn sẽ có được những thiết bị được tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến, đi kèm với các tính năng rất tiện lợi và tất cả chúng ta sẽ dễ dàng bị mờ mắt và nhầm lẫn.
Đến đây thì đã có nhiều người bắt đầu lo lắng. Tuy nhiên, có lẽ các bạn nên tạm hạ nhiệt để rồi chúng ta cùng làm sáng tỏ một số những chi tiết kỹ thuật, xem xét các tinh năng mới. Hy vọng sau khi nắm bắt những điều này, bạn sẽ vững tin hơn khi quyết định mua một chiếc receiver trong một vài năm tới.
Stereo hay Surround?
Có hai loại receiver cơ bản, đó là Stereo và A/V (Audio-Video Receiver).
Một chiếc Stereo Receiver thường được dùng để phát nhạc ra 2 kênh loa cùng lúc và cũng có thể dùng cho nhiều phòng trong nhà. Hiện nay, Stereo Receiver ngoài tính năng AM/FM tuner truyền thống thì còn được trang bị thêm radio vệ tinh XM hoặc Sirius và HD radio tuner. Chúng thường được trang bị một đầu vào Phono, một số có thể hỗ trợ thêm iPod thông qua cổng kết nối hoặc dock. Thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy đầu ra dành riêng cho loa siêu trầm, nhưng nói chung là rất hiếm gặp. Hầu hết Stereo Receiver đều không xử lý được video hoặc âm thanh digital, thay vào đó là analog stereo.
Khác với Stereo Receiver, A/V Receiver (Audio-Video Receiver hay AVR) có thể coi như là “trưởng thôn” của các rạp hát tại gia hiện nay. Chúng được phát triển dựa trên nền tảng của Stereo Receiver và được nâng cấp lên âm thanh vòm, xử lý âm thanh digital, video digital và chuyển mạch, hệ thống setup loa tự động và network.
Cần lưu ý rằng, ngày nay Stereo Receiver đã không còn phổ biến, chúng chỉ phù hợp để nghe nhạc stereo hoặc sử dụng trong các không gian nhỏ như phòng làm việc hay phòng ngủ. Mặc dù có thể dùng để nâng cao những trải nghiệm trên màn ảnh, nhưng bạn không nên lựa chọn một Stereo Receiver để kết nối TV với các thiết bị nguồn như DVD, Blu-Ray, DVR, game consoles…
Tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung tìm hiểu về cách lựa chọn một AVR phù hợp, và các bạn cũng có thể áp dụng thông tin này cho cả Stereo Receiver.
Cái nhìn đầu tiên:
Nếu là một khách hàng, bạn chỉ nên tin vào đôi mắt và khả năng tư duy của mình. Ở thời điểm này, những chiếc AV Receiver đã tràn ngập trên thị trường và được trang bị hầu như đầy đủ mọi thứ. Do đó, chúng ta sẽ có rất nhiều sự lựa chọn và hãy thong thả loại bỏ những thiết bị không ưng ý ngay lập tức. Cố gắng gom những thứ đáng để quan tâm lại một chỗ, sắp xếp ngay ngắn, so sánh về thông số kỹ thuật và đặc biệt là chú ý vào những tính năng yêu thích của mình, đôi khi những tính năng nhỏ này lại có giá trị không gì có thể bù đắp được. Mặc dù, thông số kỹ thuật chỉ là cách khoe khoang đầy ý tứ của nhà sản xuất, nhưng không có nghĩa là nó không có giá trị tham khảo.
Thông số kỹ thuật: thực sự hữu ích hoặc dễ gây hiểu nhầm
Sự thất đáng buồn đó là hầu hết chất lượng sản phẩm không tương xứng với những thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất đưa ra. Nhiều hãng sản xuất thường tìm cách “nấu những cuốn sách” để làm cho sản phẩm của họ trông hấp dẫn hơn, ngay cả khi chúng chỉ là những model sơ cấp. Trong khi đó, các thương hiệu cao cấp thường không có xu hướng “trang điểm” theo kiểu này mà chỉ PR ở một mức độ vừa phải nào đó mà thôi. Nếu bạn thường xuyên theo dõi thì có thể nhận thấy rằng, hầu như tất cả các sản phẩm trên thị trường đều trang bị hơn 100W cho mỗi kênh, điều gì đã xảy ra thế này?
Công suất:
Đây là khu vực được coi là trung tâm của mọi sự lừa bịp. Các nhà sản xuất đủ “thông minh” để nhận ra rằng, các khách hàng của họ thích ngắm nhìn những con số hoành tráng, và hầu hết đều nghĩ rằng công suất càng cao thì âm thanh càng tốt. Do đó nhiều hãng đã tìm ra được phương pháp để tăng công suất lên cao ngút nhằm làm lóa mắt người tiêu dùng.
Trong bầu không khí cạnh tranh khốc liệt và ngột ngạt của ngành công nghiệp điện tử, những mánh khóe của các nhà sản xuất là không thể không tránh khỏi. Tuy nhiên, rất may là người tiêu dùng chúng ta đã có Federal Trade Commission hay còn gọi là Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ – một trong những cơ quan có quyền lực rất cao trong hoạt động thương mại.
Trước những thông tin gây khó hiểu về công suất, FTC đã ra phán quyết nhằm bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó các hãng sản xuất phải đưa ra các điều kiện để công bố phép đo công suất, bao gồm:
- Công suất phải là công suất thực RMS (Root Mean Squared).
- Băng thông (dải tần) sử dụng trong phép đo phải được ghi.
- Trở kháng phải được ghi.
- Số kênh tải phải được ghi
- Độ méo THD (Total Harmonic Distortion) phải được ghi.
RMS:
Có hai cách để nhà sản xuất thể hiện thông số công suất, đó là công suất cực đại và công suất thực RMS. Công suất cực đại là khả năng đáp ứng tức thời của receiver, chỉ mang tính chất ảo bởi nó không duy trì được lâu. Trong khi đó phép đo công suất RMS được thực hiện dựa trên các tính toán khoa học và chính xác. Do đó khi muốn mua một chiếc receiver, việc đầu tiên là bạn nên hỏi nhân viên xem công suất thực của thiết bị là bao nhiêu.
Băng thông (Bandwidth):
Băng thông ở đây đề cập đến dải tần mà nhà sản xuất sử dụng để đo công suất mà họ đã công bố. Một cách các nhà sản xuất có thể tăng công suất đó là cho chạy ở một tần số duy nhất trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu bạn nhìn thấy 100 x 5 (@ 1kHz) thì đó chắc chắn là một con số đáng nghi, được được đo trong khi thiết bị đang chạy ở mức “thong thả” và cao hơn nhiều so với trong thực tế khi mà bạn sử dụng. Một thiết bị được đánh giá chính xác khi nó hoạt động với băng thông đầy đủ tức là 100 x 5 (@ 20Hz-20kHz) – đây là phạm vi tai người bình thường có thể nghe được.
Trở kháng:
Trở kháng là thước đo của điện trở. Theo định luật Ohm, khi hoạt động với một tải 4 ohm, receiver sẽ tạo ra công suất gấp đôi so với tải 8 omh. Các nhà sản xuất thường lợi dụng điều này để có một con số ấn tượng cho sản phẩm của họ. Tuy nhiên, nên nhớ rằng hầu hết (nhưng chắc chắn không phải là tất cả) các bộ loa trong rạp hát tại gia hiện nay đều có trở kháng nằm trong khoảng từ 6 đến 8 ohm. Nếu thấy một chiếc receiver có số đo công suất ở mức trở kháng 4 ohm thì bạn nên nghi ngờ và chuyển qua một thiết bị khác đáng tin cậy hơn (trừ khi đó là một sản phẩm cao cấp).
Số kênh hoạt động:
Trước đây, khi mà những chiếc receiver chỉ có hai kênh thì thuật ngữ “all channels driven” có nghĩa là tất cả đang được thử nghiệm cùng một lúc. Tuy nhiên, ở thời điểm này các sản phẩm đã được nâng cấp lên 5, 7 và thậm chí là 10 kênh. Cảm giác của người dùng về “all channels driven” vẫn nguyên vẹn: tất cả các kênh đang được thử nghiệm cùng một lúc. Tuy nhiên trớ trêu thay là điều này không phải luôn luôn đúng.
Các nhà sản xuất có thể ăn gian trong quá trình thử nghiệm để tạo ra một công suất suất có lợi cho họ. Vi dụ,một chiếc receiver có 7 kênh nhưng thực chất họ lại chỉ sử dụng 2 kênh để thử nghiệm và điều gì sẽ xảy ra chắc chắn bạn cũng đoán được rồi đó: công suất rất cao.
Điều quan trọng ở đây là bạn sẽ phải tìm hiểu một cách chính xác xem có bao nhiêu kênh đã được sử dụng để đo công suất, thường thì chúng là những hàng chữ khá nhỏ. (!)
Độ méo THD (Total Harmonic Distortion)
Số liệu về công suất chỉ thể hiện sức mạnh của receiver và toàn bộ câu chuyên thơ mộng nhưng đầy dối gian của nó cũng không hề liên quan đến chất lượng âm thanh. Tuy nhiên, độ méo THD thì khác, nó thể hiện khả năng “trung thành” với tín hiệu gốc của thiết bị.
Thường thì độ biến dạng tăng sẽ kéo theo công suất của receiver tăng lên và các nhà sản xuất cũng sử dụng phương pháp này để có lợi cho họ. Vì vậy trong thực tế một số hãng đã tặng cho thiết bị của mình một độ méo lên tới 10%, khiến công suất cao ngất ngưởng và tất nhiên khi vặn volume lên, âm thanh cũng sẽ khiến bạn ngất trên cây quất vì quá.. khủng khiếp.
Một công suất cao đi kèm với độ biến dạng thấp là một ước mơ lớn đối với tất cả mọi người (cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng). Thường thì THD nhỏ hơn 0,1% là có thể chấp nhận được, 0,08% hoặc thấp hơn là tuyệt vời và nếu thấy cao hơn 0,1% thì bạn có thể nghi ngờ khả năng thổi phồng công suất rồi đó.
Để tổng quát hóa về vấn đề công suất, xin đưa ra một ví dụ nho nhỏ như sau:
- Receiver 1: 75W per channel, 5Hz – 80kHz, @ 8 Ohms, 5 channels driven with no more than .08% THD.
- Receiver 2: 100W per channel, 80Hz – 20kHz @ 6 Ohms, 5 channels driven with no more than 1.0% THD.
Giả định rằng cả hai chiếc receiver trên cùng có 5 kênh. Câu hỏi đặt ra đó là “chiếc receiver nào sẽ đáng để lựa chọn hơn?”. Một vài người sẽ nhanh chóng ôm lấy cái thứ 2 mà chạy về nhà, quên luôn hàng khuyến mãi, còn những người điềm đạm hơn sẽ ở lại và chọn cái thứ 1 và họ đã đúng.
DAC
DAC là từ viết tắt của digital-to-analog: bộ chuyển đổi tín hiệu digital sang analog. Giống như tên gọi, các tín hiệu digital từ đĩa Blu-ray, DVD, Game Console, DVR hoặc những thiết bị tương tự khi đi qua nó sẽ được chuyển đổi thành tín hiệu analog. Một DAC tốt sẽ cho ra âm thanh có chất lượng tốt hơn.
Làm thế nào để biết được receiver sử dụng DAC chất lượng hay không chất lượng?
Hầu hết các nhà sản xuất sẽ không bận tâm đến việc tiết lộ loại DAC được sử dụng trong sản phẩm, trừ khi chất lượng của nó khiến họ đủ tự tin. Điều này có nghĩa là nếu họ đang “gào thét” những thương hiệu
như Burr Brown, SHARC… vào tai bạn thì rất có thể bạn sẽ nhận đươc một DAC thực sự tốt.
Tuy nhiên, trong thực tế thì nhà sản xuất không nhắc tới DAC không có nghĩa là thành phần này trên sản phẩm của họ có chất lượng kém. Bạn có thể sử dụng một dấu hiệu khác đó là giá cả giữa các sản phẩm tương tự.
Chế độ tự động cân chỉnh
Các model tầm trung và cao cấp thường đi kèm với công cụ tự động setup cho loa và cân chỉnh hệ thộng. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, công cụ này hoạt động không mấy hiệu quả và chỉ hữu ích với những người có hiểu biết ít về công nghệ. Nếu muốn hướng đến chất lượng thì nên tự tay làm lấy, nó sẽ tốt hơn cho cả hệ thống lẫn kiến thức của bạn.
Theo eCoustics, Digitalstrends
- 100 BÀI TEST COLLECTION 22 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 21 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 20 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 19 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 18 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )