Xây dựng hệ thống Hi-End Audio phần 1

FBShare
Ghi nhớ trang

Ở các số trước tạp chí NgheNhin Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết với những kiến giải có liên quan đến thuật ngữ hi-end.
Trong số ra tháng này, chúng tôi sẽ giới thiệu các bước cơ bản xây dựng hệ thống hi-end audio mà phần lớn dựa trên nghiên cứu của Robert Harley. Từng là chủ bút tờ Absolute Sound, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về hi-end audio. Hy vọng, những thông tin trong bài viết sẽ giúp người có nhu cầu “sắm” được hệ thống hi-end audio phù hợp với khả năng tài chính và sở thích nghe nhạc của bản thân.
Trước khi vào chủ đề chính, chúng tôi xin lưu ý bạn đọc thuật ngữ hi-end dùng để chỉ chất lượng trình diễn của các thiết bị tái tạo âm nhạc, âm thanh, không liên quan đến giá thành sản phẩm. Nói cách khác, hi-end không đồng nghĩa với hi-price (đắt tiền). Và mục đích cuối cùng của thiết bị hi-end là tái tạo âm nhạc, truyền tải các thông điệp mà nhạc sĩ, nhạc công hay ca sĩ gửi gắm trong bản nhạc được ghi lại dưới dạng số (digital) hoặc tương tự (analog). Với người yêu nhạc và nghe nhạc, các thiết bị hi-end chỉ là cầu nối đưa họ đến thế giới diệu kỳ của âm thanh.
Việc lựa chọn hệ thống tái tạo âm nhạc chất lượng cao là một trong những quyết định quan trọng mà một audiophile phải cân nhắc khi mua sắm. Bởi lựa chọn thiết bị hi-end có ảnh hưởng không chỉ đến quá trình hưởng thụ và cảm nhận những xúc cảm nghệ thuật từ âm nhạc của người mua. Hệ thống có âm thanh xuất sắc có thể thay đổi cách thức hưởng thụ của người dùng khi âm nhạc bắt đầu chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của họ. Hệ thống hi-fi như phương diện để khám phá thế giới âm nhạc. Hệ thống càng tốt, “thế giới kia” càng rộng mở và hấp dẫn.

THẾ NÀO LÀ HỆ THỐNG HI-END TRỌN VẸN

Hệ thống hi-end trọn vẹn được xây dựng từ nhiều thiết bị. Mỗi thiết bị có sứ mạng riêng. Các thiết bị trong bộ dàn hi-end thường được chia thành ba nhóm chính: thiết bị nguồn, thiết bị điều khiển và thiết bị phát lại.

Thiết bị nguồn là bộ phận phục hồi tín hiệu audio từ vật trung gian lưu giữ thông tin. Đầu đọc đĩa compact là thiết bị nguồn khi nó phục hồi tín hiệu audio từ đĩa CD. Một số thiết bị nguồn phổ dụng khác như đầu đọc DVD – Audio, đầu đọc SACD, đầu đĩa than, tuner và các server audio kỹ thuật số. Thiết bị nguồn còn được gọi là tầng đầu (front end) do chúng là các thiết bị đầu tiên trong chuỗi thiết bị tái tạo.
Thiết bị kiểm soát là bộ phận pre-ampli (tiền khuếch đại, người chơi audio ở Việt Nam hay gọi theo cách dân dã là “cục rề”). Pre-ampli nhận tín hiệu từ các thiết bị nguồn, xử lý và cho phép loại tín hiệu nào được đưa vào ampli khuếch đại đến người nghe. Pre-ampli như trái tim của hệ thống hi-fi. Tất cả thiết bị nguồn đều đi qua pre-ampli – thiết bị điều chỉnh âm lượng, xử lý và chia tách các đường tín hiệu khác nhau.

Các thiết bị tái hiện bao gồm ampli công suất và hệ thống loa. Hai thiết bị này cùng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu đầu ra của pre-ampli thành âm thanh.

Toàn bộ hệ thống tái tạo âm thanh trên có thể được mô hình hóa như hình 1.

HOẠCH ĐỊNH NGÂN SÁCH

Từ ý tưởng về hệ thống hi-end audio đến bộ thiết bị trọn vẹn được lắp đặt và cân chỉnh phù hợp trong phòng nghe là hành trình dài với nhiều khó khăn, nhưng cũng rất thú vị. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu những điểm then chốt để hiện thực hóa quá trình trên nhằm giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận và sở hữu hệ thống tái tạo âm nhạc tốt nhất, phù hợp nhất với khả năng và sở thích của bản thân.

Việc bạn định tiêu bao nhiêu tiền vào hệ thống tái tạo âm nhạc phụ thuộc vào hai yếu tố: thứ tự ưu tiên và khả năng tài chính. Về thứ tự ưu tiên. Có thể một người coi bộ dàn trị giá 2.000USD là sự hoang phí, nhưng lại sẵn sang bỏ ra 7.000USD cho kỳ nghỉ ở Châu Âu. Ngược lại, người khác có thể thấy xót xa khi chi 7.000USD cho kỳ nghỉ, trong khi còn nhiều món hi-fi chất lượng cao cần nâng cấp.

Về năng lực tài chính của người chơi. Kết quả điều tra của các tạp chí hi-fi cho thấy: Mỗi năm, một audiophile tiêu tốn trung bình 10-15% tổng thu nhập vào thiết bị. Một đợt thăm dò khác cho thấy: trong khi một hệ thống audio có giá bán bình quân khoảng 18.000USD, thì có 20% lượng độc giả của các tờ báo hi-fi sở hữu các bộ dàn trên 35.000USD. Tuy nhiên, ranh giới của hi-end khá rộng với những hệ thống có giá rất khác biệt, từ dưới 1.200USD đến trên 200.000USD, do đó không nên để những con số này ảnh hưởng đến lối chơi của bạn. Những người sở hữu bộ dàn đắt tiền rất có thể không đại diện cho những tâm hồn yêu nhạc. Người chơi có thể lựa chọn một hệ thống với mức giá thấp hơn nhiều so những con số thống kê trên.

Một trong những chiến lược khá hiệu quả khi sắm hệ thống hi-end là dành khoản ngân sách tương đối để sắm thiết bị xứng đáng ngay lần đầu tiên. Thoạt tiên, việc mua sắm có vẻ khá tốn kém, nhưng người chơi được bù đắp bởi những khoảnh khắc thăng hoa cùng âm nhạc mỗi ngày và kéo dài trong nhiều năm sau đó. Sau một hoặc hai năm sở hữu và thưởng thức âm nhạc từ hệ thống, người mua có thể không còn nhớ đến món tiền phải bỏ ra. Nếu sắm được hệ thống chất lượng tốt, chúng ta sẽ không mấy bận tâm đến việc sau này phải bán chúng thế nào để mua món đồ tốt hơn. Nhiều khi, việc tiết kiệm lại trở nên phản tác dụng với hệ thống dưới mức trung bình. Hãy đưa ra quyết định đúng đắn ngay từ lần đầu tiên.

Một cách khác để quyết định xem nên đầu tư bao nhiêu tiền cho hệ thống hi-fi: chọn mức chất lượng của hệ thống khiến bạn hài lòng, từ đó tính ra số tiền cần đầu tư. Bạn nên đến các tiệm bán đồ âm thanh và yêu cầu người bán cho thử các hệ thống khác nhau. Mỗi hệ thống ở một cấp độ trình diễn khác nhau. Qua đó, người nghe với gu thưởng thức riêng sẽ tự nhận thấy hệ thống nào, mức chất lượng âm thanh nào phù hợp với sở thích nghe nhạc của bản thân.

Khi hoạch định ngân sách cho hệ thống hi-fi, người chơi cần phân định rõ hệ thống sẽ được sử dụng để nghe nhạc hai kênh đơn thuần hoặc được kết hợp để nghe nhạc phim hoặc nâng cấp thành một phần của hệ thống xem phim. Việc duy trì hệ thống xem phim đồng bộ với tối thiểu 6 loa trình diễn chất lượng cao cộng them pre-ampli đa kênh có thể tăng số tiền phải đầu tư lên đáng kể. Tuy nhiên, cũng có một vài phương pháp nâng cấp hệ thống 2 kênh thành đa kênh mà không làm cho chi phí tăng chóng mặt, nội dung này sẽ được đề cập ở các phần sau.

Trong các số tiếp theo, chúng tôi sẽ gửi đến độc giả nhiều nội dung liên quan đến các bước tiếp theo khi hình thành hệ thống hi-end như: lựa chọn hệ thống phù hợp với nhu cầu, cách phân bổ ngân sách cho từng thiết bị, nâng cấp thiết bị, nguyên lý phối ghép… Mời độc giả cùng đón đọc.

Theo Nghe Nhìn