Tiêu Điểm
Xây dựng hệ thống Hi-End Audio phần 2
HFVN – Hệ thống Hi-Fi phù hợp không chỉ đáp ứng “gu” âm nhạc của chủ nhân mà còn phải tương thích với không gian trình diễn. Cặp loa đứng kích thước lớn khó phát huy tác dụng trong phòng nhỏ. Tiếp tục nội dung của kỳ trước, trong phần II, chúng tôi sẽ chia sẻ với độc giả kinh nghiệm lựa chọn thiết bị phù hợp không gian thưởng thức âm nhạc, nhu cầu sử dụng thiết bị và cách thức xem các bài bình luận, đánh giá trên các tạp chí, trang web Hi-End sao cho hiệu quả.
ẢNH HƯỞNG CỦA PHÒNG NGHE
Hệ thống Hi-Fi phù hợp không chỉ đáp ứng “gu” âm nhạc của chủ nhân mà còn phải tương thích với không gian trình diễn. Cặp loa đứng kích thước lớn khó phát huy tác dụng trong phòng nhỏ. Chưa kể kích thước lớn “choán hết” diện tích của không gian hẹp, loa lớn trong phòng nhỏ thường bị dội bass hoặc âm bass bị “um”, tạo cảm giác khó chịu cho người nghe.
Thông thường, để tái tạo âm bass sâu và chi tiết rất tốn kém. Do đó, hệ thống có âm bass sâu và hay, nhưng khi chơi trong không gian nhỏ hẹp sẽ phản tác dụng. Nếu buộc phải sử dụng trong không gian hạn chế, cùng mức đầu tư, người chơi nên nhắm đến cặp loa nhỏ (minimonitor) chất lượng cao, có thiết kế tập trung vào khả năng tái tạo dải cao, trung âm và trung trầm tốt. Với giải pháp này, người chơi sẽ lợi cả đôi đường: phòng nghe không bị quá tải bởi âm bass và cặp loa nhỏ trong không gian phù hợp có thể tái tạo âm hình tốt hơn, độ chi tiết và trong trẻo cao hơn. Không chỉ có vậy, nhờ vào giới hạn với tần số thấp của loa monitor mà âm bass được kiểm soát tốt hơn, ít ồn ào và gây phiền hà đến người xung quanh. Do đó, người nghe có thể thưởng thức âm nhạc với âm lượng tương đối lớn. Ngoài ra, việc kê đặt cặp loa nhỏ cũng dễ dàng và đơn giản hơn loa đứng.
Hệ thống Hi-Fi được cho là phù hợp cần đáp ứng “gu” âm nhạc của chủ nhân và tương thích với không gian trình diễn.
Ngược lại, một cặp loa nhỏ không thể mang đến cảm xúc đầy đủ cho người nghe trong phòng lớn. Những yếu tố như sức mạnh, độ động, độ mở và chiều sâu của âm bass, cảm giác sống động trong một số thể loại âm nhạc thường không xuất hiện ở cặp loa nhỏ. Nếu người nghe có phòng tương đối lớn và tài chính không còn là vấn đề quan trọng, cặp loa đứng toàn dải (full-range) là lựa chọn thích hợp nhất.
Lựa chọn ampli công suất cũng là yếu tố cần lưu tâm. Ampli phải phù hợp với loa và phòng nghe mới có thể phát huy thế mạnh của hệ thống. Phòng nghe rộng hoặc những cặp loa độ nhạy thấp luôn “đói” công suất ampli. Ngược lại, phòng dưới 12m2 và loa độ nhạy cao trên 92dB nhiều khi chỉ cần ampli từ vài W đến hơn vài chục W đã có thể tái tạo âm thanh sống động.
Rega – thương hiệu nổi tiếng nhờ chất lượng cao, giá bán hợp lý.
HÌNH THỨC HAY NỘI DUNG?
Sản phẩm hi-end audio có hình thức phong phú, từ những thiết bị có lớp vỏ máy (chassis) giản dị đến những món đồ có vẻ ngoài hào nhoáng hoặc hợp kim titan sắc lạnh. Trên thực tế, vỏ ngoài không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác chất lượng điện tử bên trong, mà đúng hơn nó phản ánh triết lý sản xuất của hãng.
Một số công ty cố gắng đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng âm thanh cao nhất với giá bán thấp nhất có thể bằng cách sử dụng vỏ máy đơn giản và ít tốn kém. Một số thương hiệu tiêu biểu cho triết lý sản xuất này là Creek, Rega, Cyrus, Arcam, Rogue Audio, Quick Silver Audio, Vandersteen, Definitive, Epos… Ngược lại, nhiều hãng sản xuất thiết bị “xa xỉ” có khi chỉ chế tạo hệ thống có chất lượng tương tự, nhưng lại đặt trong “bộ cánh” ấn tượng với vỏ kim loại dày 2,54cm được cắt bằng thiết bị laser hiện đại, bề mặt đánh bóng với 7 lớp sơn mài, logo và tên hãng khắc chìm trên mặt máy… Một nhà sản xuất thiết bị Hi-End đắt tiền từng tiết lộ: Họ có thể bán sản phẩm chỉ với… nửa giá tiền nếu sử dụng lớp vỏ máy rẻ tiền! Liệu như vậy có đáng với những người cho rằng chất lượng âm thanh là yếu tố quyết định đối với thiết bị audio?
Tệ hơn, nhiều nhà sản xuất có xu hướng chế tạo những thiết bị có chất lượng trình diễn dưới mức trung bình, nhưng được đặt trong vỏ máy bắt mắt, hấp dẫn. Khách hàng mục tiêu là những người thường đánh giá cao hình thức của thiết bị mà không mấy bận tâm đến chất lượng âm thanh. Người mua nên tránh những thiết bị loại này.
Trong khi có người chỉ tìm kiếm thiết bị có hình thức tao nhã, mang đến cảm giác của những món đồ đắt tiền, thì một số người khác lại quan tâm đến hệ thống âm thanh hay nhất, có chi phí thấp nhất. Với một số người yêu nhạc, hình thức của thiết bị luôn đứng sau yêu cầu âm thanh. Ở những người này, họ không quan tâm đến vẻ ngoài của thiết bị, miễn là có chất âm hay. Ngược lại, nhiều audiophile sẵn sàng trả tiền cho những thiết bị bóng bảy, thiết kế hoành tráng và tất cả món đồ liên quan với điều kiện phải lịch lãm và xa xỉ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận niềm kiêu hãnh không thể phủ nhận của chủ nhân những thiết bị audio thuộc hàng thượng đẳng.
Khi lựa chọn thiết bị Hi-End, người mua nên so sánh nhu cầu thực tế với triết lý sản xuất của các hãng audio. Bằng cách đó, người chơi không phải tốn tiền cho những bộ “áo” bóng bảy mà họ không mấy quan tâm.
Primaluna là một trong những hàng audio theo triết lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
06 lời khuyên hữu ích cùng bạn đọc:
– Nên lựa một tác giả có uy tín, có thể tin tưởng.
– So sánh cảm nhận của bản thân về thiết bị với nhận định của các chuyên gia.
– Sưu tầm và so sánh các nhận định của nhiều chuyên gia khác nhau trên cùng một thiết bị.
– Không mua thiết bị nếu chỉ dựa trên ý kiến đánh giá của chuyên gia.
– Tự nghe, cảm nhận và lựa chọn thiết bị.
– Hãy để đôi tai của bạn quyết định.
Trong số tiếp theo, chúng tôi tiếp tục chuyển đến độc giả nội dung có liên quan đến việc phân bổ ngân sách và lắp đặt, hiệu chỉnh một hệ thống audio sao cho hiệu quả. Mời độc giả cùng đón đọc.
Loa toàn dải (full range) có đáp tuyến tần số mở rộng cả dải thấp lẫn dải cao, có thể là loa một hoặc nhiều đường tiếng, khác với loa toàn dải chỉ có một củ loa.
CÁCH XEM CÁC BÀI BÌNH LUẬN HI-FI
Thường có một cụm từ dành tặng các nhà viết phê bình mẫu mực trong lĩnh vực Hi-End: “Không sợ hãi, không đặc ân”. Những tạp chí uy tín thường không kiêng dè nhà sản xuất khi đăng tải những phê bình mang tính chỉ trích (đúng đắn), cũng không trông chờ “đặc ân” khi có những bình luận tích cực. Một bài đánh giá tốt phải cung cấp cho độc giả những quan điểm khách quan, nhận định có giá trị cao dựa trên góc độ kỹ thuật và thẩm định về âm thanh, chất lượng thiết kế, giá trị của sản phẩm.
Các bài viết của các tạp chí chuyên ngành Hi-End và tạp chí phổ thông có tính thị trường luôn có sự khác biệt. Tạp chí thị trường thường có bài viết theo thiên hướng quảng cáo. Còn tạp chí chuyên sâu về Hi-End thường định hướng đến độc giả với mục tiêu phục vụ số đông độc giả chứ không vì quảng cáo. Bởi thế, các bài bình luận trên tạp chí chuyên ngành thường xuất hiện ý kiến phê bình mà đa số tạp chí thị trường không muốn đăng tải. Như vậy, việc xem bình luận trên các tạp chí khác nhau về sản phẩm Hi-Fi cần được tiếp nhận theo tư duy và nhận thức khác nhau để tránh hiểu lầm đáng tiếc.
Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều audiophile mắc phải là tìm kiếm thiết bị được các tạp chí đánh giá cao, nhưng chưa nghe thử. Có một mẹo vặt để nhận biết sản phẩm đặc biệt, đáng quan tâm, đó là tần xuất hiện trên tạp chí Hi-Fi. Chắc hơn nữa là các tay viết quyết định mua luôn sản phẩm mà họ thẩm định. Điều này thường được nhắc đến trong các bài đánh giá.
Tuy nhiên, cũng không vì những bài viết đánh giá tiêu cực mà ruồng rẫy thiết bị đang sử dụng, bởi bạn đã hài lòng với hệ thống trước khi xuất hiện những nhận định tiêu cực đó. Vậy không nên vì bất kỳ lý do gì khiến tư duy thưởng thức của mình bị “bias” một cách dễ dàng như vậy.
Theo Nghe Nhìn
- 100 BÀI TEST COLLECTION 22 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 21 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 20 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 19 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 18 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )